Thay đổi màu sắc

Diễn biến trận Đường 14 - Phước Long

Đã xem: 19
Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là sự đóng góp, hy sinh rất lớn của quân và dân tỉnh Bình Phước, trong đó là sự đóng góp to lớn về sức người, vật chất của các tầng lớp công nhân cao su và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, đã tích cực tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, giải phóng toàn tỉnh, hoàn thành nhiệm vụ thực hành “Trận trinh sát chiến lược” cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giữ vững bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực của ta tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Vai trò của Chiến thắng Đường 14 - Phước Long đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Bình Phước nằm ở cực Bắc của miền Đông Nam bộ, nơi cuối cùng của cao nguyên Trung bộ xuống miền Nam, có chung đường biên giới với Cam-pu-chia, có Quốc lộ 13, 14 là hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây của miền Đông Nam bộ. Bình Phước có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, là đầu mối cuối cùng của hệ thống đường vận tải chiến lược Bắc - Nam trên bộ; đồng thời, đây cũng là nơi hoàn chỉnh hệ thống đường Hồ Chí Minh - một trong những trung tâm giao liên vận tải ở miền Đông Nam bộ, là căn cứ địa chiến lược, hậu phương tại chỗ, nơi trực tiếp tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đây là thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (căn cứ Tà Thiết) và cũng là nơi diễn ra nhiều trận chiến đấu quan trọng góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, tác động sâu sắc đến cục diện chiến tranh.

Cuối tháng 10/1974, Tỉnh ủy Bình Phước được trên phổ biến kế hoạch chuẩn bị cho đợt tiến công mùa khô 1974 - 1975, hướng hoạt động chủ yếu được xác định là đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ. Mục tiêu chủ yếu của chiến trường miền Đông Nam bộ là Đường 14 - Phước Long. Tháng 12/1974, Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao nhiệm vụ cho Bình Phước sử dụng lực lượng bộ đội địa phương tiến công, tiêu diệt Chi khu quân sự “Bù Đốp lưu vong” để mở màn chiến dịch, sau đó phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công giải phóng Phước Long.

Để phối hợp hành động trên các chiến trường, cơ quan quân sự và các cơ quan dân, chính, Đảng của tỉnh cử bộ phận đi tiền phương. Ban Chỉ huy tiền phương trực tiếp phối hợp với chủ lực Miền, chỉ đạo lực lượng vũ trang (LLVT), các đơn vị phục vụ chiến trường điều động, triển khai các mặt công tác có liên quan hết sức khẩn trương, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chiến dịch. Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức huấn luyện, nâng cao sức chiến đấu cho LLVT tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đến tháng 12/1974, việc xây dựng LLVT, công tác huấn luyện đã cơ bản hoàn thành.

Trong thời gian này, tại vùng tiếp giáp với địch, các đội công tác, đoàn cán bộ tiền phương được giao trọng trách ngày đêm bám địa bàn, đẩy mạnh ba mũi giáp công, kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt địch, ngăn cản địch, giữ bí mật cho các lực lượng triển khai kế hoạch tiến công, mặt khác, ra sức củng cố thực lực cách mạng, tạo thế cho quần chúng trong vùng bị kìm kẹp sẵn sàng nổi dậy phá ấp chiến lược với tinh thần ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã. Đối với vùng căn cứ, nhân dân khẩn trương thu hoạch vụ mùa, chuẩn bị hậu cần tại chỗ, thồ tải đến nơi tập kết, huy động dân công phục vụ hỏa tuyến... Ngoài Tiểu đoàn thanh niên xung phong, Tỉnh ủy huy động hàng ngàn đồng bào, hàng chục voi mở đường, làm cầu, thồ tải lương thực, đạn dược, thuốc men phục vụ hỏa tuyến, phục vụ các yêu cầu khác của chiến trường, phối hợp với hậu cần của Miền, hậu cần của các sư đoàn chủ lực, xây dựng kho tàng, hầm chống bom pháo, chuẩn bị căn cứ cho các đội phẫu, các trạm xá cứu chữa bộ đội và nhân dân khi bị thương. Xây dựng, chuẩn bị vùng an toàn ở Tây Nam Phước Bình, Tây Nam Bù Đăng và dọc sông Đồng Nai để đón nhân dân từ vùng chiến sự ác liệt ra, chuẩn bị các trại tạm thời giam giữ tù binh, hàng binh. Công tác chuẩn bị diễn ra hết sức khẩn trương, tích cực, bảo đảm an toàn bí mật trong suốt hơn hai tháng.

Đêm 12 rạng 13/12/1974, LLVT tỉnh phối hợp với Quân đoàn 4 tiêu diệt chi khu quân sự “Bù Đốp lưu vong”. Cũng thời gian này, lực lượng địa phương Bù Gia Mập và dân quân tiến công chi khu Bù Đăng và tuyến án ngữ gồm 25 đồn bốt, 1 tiểu đoàn bảo an và cảnh sát, 1.200 phòng vệ dân sự chốt giữ. Sau 27 giờ chiến đấu, đến 17 giờ ngày 14/12/1974, ta giải phóng huyện Bù Đăng (quận Đức Phong). Cùng thời gian trên, bộ đội chủ lực Miền tiến công yếu khu Bù Na do 1 tiểu đoàn bảo an và 500 dân vệ chốt giữ. Ngày 15/12, ta dứt điểm yếu khu Bù Na và giải phóng toàn bộ vùng Bù Na, Nghĩa Trung. Ngày 17/12, địch đưa hai tiểu đoàn đột kích thám báo đến tái chiếm chi khu quân sự “Bù Đốp lưu vong”. Lực lượng ta tổ chức đánh trả quyết liệt, đến ngày 22/12, đánh bại quân địch, giữ vững địa bàn và phát triển tiến công, tiêu diệt nốt Đồn Thác Mơ, Phước Quả, Phước Tín, Phước Lộc...

5 giờ sáng ngày 26/12/1974, bộ đội chủ lực nổ súng đánh chiếm chi khu quân sự Đồng Xoài. Nhân dân Đồng Xoài, Thuận Lợi, Phú Riềng đồng loạt nổi dậy. Đến 15 giờ cùng ngày, ta giải phóng hoàn toàn huyện Đồng Xoài (quận Đôn Luân); đồng thời, ta tiếp tục diệt yếu khu Bù Na, làm chủ khu vực địa bàn dọc hai bên lộ 14 và tiếp tục truy quét địch, bức rút trên 50 đồn bốt, chiếm 2 chi khu, 1 yếu khu. Kết thúc giai đoạn 1 của chiến dịch.

Mất đường 14 từ Nha Bích đến Bù Đăng, trong đó có ba cụm cứ điểm lớn: chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài và yếu khu Bù Na, địch rất hoang mang, bọn tàn quân bị thất trận luồn rừng chạy về Phước Long, với tinh thần hốt hoảng, hoang mang tột độ, làm náo loạn cả tiểu khu Phước Long. Đại tá Nguyễn Thống Thành, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Phước Long tổ chức lại đội ngũ, tăng cường lực lượng cho chi khu Phước Bình, cao điểm Bà Rá, củng cố vững chắc thế chân kiềng, liên hoàn giữa thị xã Phước Long, núi Bà Rá và chi khu Phước Bình. Tăng quân cho các cụm tiền tiêu án ngữ cho Phước Bình, củng cố các chốt chặn ở Phước Yên, Phước Sơn, Phước Vĩnh và Phước Lộc, Thác Mơ, Tư Hiền. Đề phòng ta tiến công vào thị xã, chúng củng cố hệ thống đồn bốt: Sân bay Phước Bình, Sơn Giang, Nhơn Hòa, An Lương, Tư Hiền và tuyến phòng thủ Nam thị xã.

Sau một thời gian chuẩn bị, chiến dịch chuyển sang giai đoạn 2, kế hoạch tiến công giải phóng Phước Long được Bộ Chính trị chuẩn y. Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 hạ quyết tâm tranh thủ thời cơ địch đang hoang mang tiến hành ngay cuộc tiến công giải phóng Phước Long. Các mặt trận theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Miền cùng hiệp đồng nổ súng. Tình hình rất khẩn trương, LLVT Bình Phước tiến hành nghiên cứu chiến trường, tổ chức đánh nhỏ, lẻ, tiêu hao lực lượng địch và làm nhiệm vụ dẫn đường phục vụ Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) đánh chiếm Phước Long.
 

1
Bộ Tư lệnh chủ lực Miền tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy Cảnh sát ngụy ở Phước Long. (ảnh tư liệu)

Rạng sáng ngày 31/12/1974, sau loạt pháo mở màn, lực lượng ta gồm Tiểu đoàn Bộ binh 4, Tiểu đoàn Bộ binh 5 (Trung đoàn 165), Tiểu đoàn Bộ binh 3 (Trung đoàn 141) kết hợp cùng LLVT tỉnh Bình Phước từ các hướng đồng loạt nổ súng tiến công vào tiểu khu Phước Long, quận lỵ Phước Bình, sân bay Phước Bình, Trung tâm Viễn thông Bà Rá. Chiều ngày 31/12, các vị trí xung yếu của Phước Bình đều bị ta tiêu diệt. Đêm 31/12, ta chiếm núi Bà Rá, phá hủy, làm tê liệt Trung tâm Viễn thông Bà Rá. Cùng lúc đó bộ đội địa phương tỉnh kết hợp với bộ đội chủ lực bao vây các mục tiêu của địch.

Sáng ngày 1/1/1975, hai cánh quân từ Thác Mơ và Phước Quả của ta thọc sâu, tiến công địch tại cầu Suối Dung và Tư Hiền. Các cánh quân khác tiến công các ấp chiến lược, xung quanh các đồn, bốt phòng thủ của địch. Vòng vây thị xã Phước Long ngày càng bị khép chặt. Ta bắt đầu nổ súng tiến công vào thị xã Phước Long, tiêu diệt từng mục tiêu của địch. Quân địch tháo chạy về án ngữ cửa ngõ phía Nam thị xã củng cố tuyến phòng thủ Cây Đa phía Bắc cầu Suối Dung. Ta tiếp tục truy kích vượt cầu Suối Dung, địch dựa vào tuyến phòng thủ Cây Đa đánh trả quyết liệt. Đến ngày 3/1, ta phá vỡ tuyến phòng thủ, đột kích vào trung tâm thị xã. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt trên từng căn nhà, góc phố. Sáng ngày 6/1, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9), lực lượng tăng cường được điều từ vùng ven Sài Gòn đã nhanh chóng triển khai tiến công từ phía Nam lên, phối hợp với lực lượng đang chiến đấu tạo hai gọng kìm tiêu diệt lực lượng địch còn lại ở tiểu khu Phước Long. Đến trưa ngày 6/1/1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Phước Long; 19 giờ ngày 6/1, Phước Long hoàn toàn giải phóng.

Sau 26 ngày đêm chiến đấu liên tục, bộ đội chủ lực cùng quân và dân Bình Phước đã tiêu diệt hoàn toàn các cụm cứ điểm chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài, Phước Bình, yếu khu Bù Na, điểm cao Bà Rá và thị xã Phước Long.

aaaaaaaaa
Xe tăng trong đội hình Đại đội Tăng 10 do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thành chỉ huy cùng bộ binh tấn công vào Dinh tỉnh trưởng Phước Long ngày 6-1-1975  -  Ảnh T.L

Kết thúc thắng lợi chiến dịch Đường 14 - Phước Long, ta diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu 5.000 súng các loại, 10.000 viên đạn đại bác và nhiều phương tiện chiến tranh, bắn rơi 5 máy bay, giải phóng hơn 50.000 dân. Phước Long là tỉnh đầu tiên ở miền Nam hoàn toàn giải phóng, tuyến phòng thủ phía Bắc Sài Gòn bị đập tan. Đánh giá về chiến thắng Đường 14 - Phước Long, Hội nghị Tỉnh ủy Bình Phước mở rộng từ 15 - 17/3/1975 khẳng định: “Đây là thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử đối với tỉnh ta, là thắng lợi của sau 20 năm chiến đấu không ngừng mà quân dân Phước Long, nhất là công nhân đồn điền, dân tộc và nhân dân các dinh điền, di dân cùng các tầng lớp lao động khác, là thắng lợi của sự kết hợp ba thứ quân”.

Như vậy, chiến thắng Đường 14 - Phước Long có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, đã tạo ra thế và lực cho ta ở chiến trường B2; là một thực tiễn lớn để đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ. Tỉnh Phước Long và một vùng biên giới tỉnh Tây Ninh được giải phóng đã mở ra một vùng căn cứ địa rộng lớn, tạo bàn đạp đứng chân cho các lực lượng lớn của ta áp sát Sài Gòn, mở ra vùng hậu phương trực tiếp tiếp tế cho chiến trường toàn Miền. Chiến thắng Phước Long là ngọn cờ hiệu triệu cho phong trào cách mạng của nhân dân trong tỉnh Bình Phước, là “Trận trinh sát chiến lược” giúp Bộ Chính trị củng cố quyết tâm, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam.

Từ nhận định và đánh giá đúng tình hình, ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết nêu rõ: “Chiến thắng Phước Long mở ra khả năng giành thắng lợi theo phương án dự kiến 2 năm 1975 - 1976 và quyết tâm kết thúc chiến tranh sớm trong năm 1975 khi thời cơ đến. Ta có đầy đủ quyết tâm và điều kiện thắng địch, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Trong khí thế chiến thắng, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định thời cơ giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi: “Hiện nay, ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm”. Đồng chí Phạm Hùng đã chủ trì cuộc họp quan trọng với thành phần gồm Đoàn cán bộ Bộ Tham mưu, Trung ương Cục và Quân ủy Miền, đánh giá toàn bộ tình hình; đồng thời, quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị ngày 1/4 về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn với phương châm: “Phải thần tốc, thần tốc toàn thắng, nhất định toàn thắng”.

Ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến tinh thần Nghị quyết của Đảng về thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Bộ Chỉ huy Chiến dịch do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn và Đinh Đức Thiện làm Phó Tư lệnh. Sở Chỉ huy đóng tại Tà Thiết. Ngày 13/4/1975, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ trên chiến trường, Bộ Tư lệnh Chiến dịch đề nghị với Trung ương Đảng lấy tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Lúc 19 giờ ngày 14/4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận được điện của Bộ Chính trị chấp thuận đề nghị trên. Đến ngày 22/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch duyệt lần cuối kế hoạch mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Để góp phần làm nên chiến thắng Đường 14 - Phước Long, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Phước đã quán triệt và vận dụng linh hoạt, đúng dắn đường lối và phương pháp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là Xứ ủy Nam bộ, Trung ương cục miền Nam và Khu ủy miền Đông Nam bộ để đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả; trong đó toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Bình Phước đoàn kết một lòng, chấp nhận hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để kháng chiến; đặc biệt đã tạo dựng được hậu phương tại chỗ, là nơi cung cấp, tiếp nhận có hiệu quả sự chi viện sức người, sức của của đồng bào cả nước phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là sự đóng góp, hy sinh rất lớn của quân và dân tỉnh Bình Phước, trong đó là sự đóng góp to lớn về sức người, vật chất của các tầng lớp công nhân cao su và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, đã tích cực tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, giải phóng toàn tỉnh, hoàn thành nhiệm vụ thực hành “Trận trinh sát chiến lược” cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giữ vững bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực của ta tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước

Linh: https://mod.gov.vn/home/detail?current=true&urile=wcm:path:/mod/sa-mod-site/sa-ttsk/sa-tt-cmsk/sa-tt-cmsk-6/sa-tt-cmsk-6-tl/eb545c56-da19-479c-9ddb-188df0ee1cfc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây