IN ĐẬM TRONG TRÁI TIM MỖI NGƯỜI DÂN
Nhắc về sự kiện Gạc Ma trong mỗi chúng ta sẽ là hình ảnh các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hiên ngang đứng thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, vẽ thành “vòng tròn bất tử”. Hình ảnh đó viết nên bản anh hùng ca còn vang vọng mãi trong lịch sử giữ nước của ông cha, nhắc nhớ con cháu quyết giữ vững từng tấc đất, lãnh thổ, hải giới mà ông cha đã không tiếc máu xương để bảo vệ. Vậy nên không có chuyện sự kiện Gạc Ma ngày 14-3-1988 đã bị lãng quên như luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội chính trị.
Thạc sĩ Nguyễn Kim Dự, giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Bình Phước cho rằng: Nhắc đến sự kiện Gạc Ma, các thế hệ người Việt Nam hôm nay đều có chung một nhận định: Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14-3-1988 là cuộc chiến không cân sức. Nơi đầu sóng, ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế, không có bờ đất, công sự che thân, nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trên 3 con tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, để lại cho các thế hệ hôm nay nhiều bài học quý về tinh thần quả cảm, sự chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.
“Sự kiện Gạc Ma đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ nét phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước, sẵn sàng xả thân, không lùi bước, quyết lấy máu mình để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 64 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma đã gác lại bao ước mơ, hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu của các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ” - Thạc sĩ Nguyễn Kim Dự khẳng định.
NHẬN DIỆN RÕ ĐỂ PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Gia Mập nhận định: Tinh thần chiến đấu của các anh là một nốt son trong lịch sử dân tộc mà thế hệ hôm nay và mai sau phải khắc cốt ghi tâm. Vậy nhưng một số đối tượng, tổ chức chống đối Đảng, Nhà nước ta lại tung những hình ảnh, video clip ghi lại phát biểu của các chuyên gia tự xưng, áp đặt ý kiến chủ quan cho rằng trận hải chiến Trường Sa ngày 14-3-1988, ta mất Gạc Ma là do có lệnh không được nổ súng, cho rằng ta bưng bít thông tin chuyện mất đảo. Đây thực chất là những luận điệu xuyên tạc, quy chụp, nói xấu Đảng, Nhà nước ta, làm mất giá trị của công cuộc giữ biển, giữ đảo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung và hạ thấp vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng.
Theo ông Hậu, những luận điệu xuyên tạc lịch sử mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị rêu rao đều nhằm phục vụ mưu đồ đen tối của chúng, nhất là mỗi khi tới ngày kỷ niệm sự kiện Gạc Ma 14-3. Nhưng lịch sử đã khẳng định, các luận điệu xuyên tạc nêu trên là suy diễn, thiếu căn cứ, cần đấu tranh phản bác.
KHÔNG BAO GIỜ BỊ LÃNG QUÊN
36 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn khắc ghi và tri ân sâu sắc những cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh trong sự kiện Gạc Ma. Khu tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là địa chỉ đỏ giáo dục các thế hệ về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng như sự hy sinh anh dũng của các lớp cha anh. Công tác tìm kiếm di vật, hài cốt của các chiến sĩ vẫn được Đảng, Nhà nước và nhiều tổ chức, cá nhân nỗ lực thực hiện dẫu gặp phải những khó khăn, trắc trở.
Là người nghiên cứu sâu về sự kiện Gạc Ma, Thạc sĩ Nguyễn Kim Dự nhận định: Lịch sử trận chiến hào hùng trên vùng biển Trường Sa và bãi đá Gạc Ma là chủ đề được truyền tải, giáo dục ở các cấp độ trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Sự kiện Gạc Ma chưa bao giờ bị quên lãng mà trái lại, vẫn luôn được triệu triệu người dân Việt Nam khắc ghi để trân trọng, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, biết trân quý hòa bình cũng như thấm thía bài học trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước không chỉ hôm nay mà cho cả mai sau.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bù Gia Mập Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh: Hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988 chưa bao giờ quên lãng trong trái tim những người con đất Việt. Để chúng ta nhớ rằng, hòa bình hôm nay, nước non liền một dải hôm nay, tương lai tươi sáng của ngày mai đã được xây dựng, bảo vệ và giữ gìn bằng hàng triệu máu xương, tính mạng của các thế hệ cha anh. Để chúng ta biết yêu và tiếp tục xây đắp, gìn giữ non sông, đất nước này, không phụ lòng những người đã hy sinh cho Tổ quốc.
Sự hy sinh cao cả của các cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma mãi mãi là biểu tượng về lòng yêu nước, tình đoàn kết vượt qua gian khó, tính kỷ luật cao, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất, dâng hiến trọn đời vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nêu cao quan điểm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị; nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Tác giả: Đức Hiến
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn