Bước ngoặt mở màn cho đại thắng mùa xuân 1975
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam nhằm khống chế vùng Đông Nam Á. Mỹ - Diệm trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt lâu dài 2 miền Nam - Bắc, thôn tính miền Nam, biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Với truyền thống yêu nước, đoàn kết, Đảng bộ Bình Long và Phước Long đã lãnh đạo nhân dân 2 tỉnh chiến đấu quyết liệt và liên tục trên mặt trận chống phá chương trình bình định, càn quét gom dân, lập ấp chiến lược của địch.
Sau hơn 3 năm đương đầu với Mỹ - ngụy trong “chiến tranh cục bộ” đầy ác liệt, gian khổ và hy sinh, Đảng bộ và nhân dân 2 tỉnh Bình Long và Phước Long luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Năm 1969 và những tháng đầu năm 1970 là thời kỳ cách mạng miền Nam trải qua ác liệt và khó khăn gay gắt nhất. Cùng với quả đấm chủ lực, quân và dân Bình Phước đã tham gia Chiến dịch Nguyễn Huệ hè năm 1972 giải phóng các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, mở rộng vùng căn cứ nối liền biên giới Campuchia thành hậu phương trực tiếp của chiến trường B2. Cuối năm 1972, Trung ương Cục quyết định thành lập tỉnh Bình Phước trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Bình Long và Phước Long.
Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Lộc Ninh trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bình Phước được vinh dự thay mặt nhân dân miền Nam và cả nước đón những người con chiến thắng từ các nhà tù Mỹ - ngụy trở về trong niềm thương yêu, xúc động và khâm phục.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1974-1975, được sự chi viện của Trung ương và của Miền, quân và dân Bình Phước đã tấn công giải phóng hoàn toàn huyện Bù Đăng ngày 14-12-1974, ngày 26-12-1974 tấn công giải phóng Đồng Xoài, ngày 31-12-1974, tấn công giải phóng hoàn toàn Chi khu quận lỵ Phước Bình và đến ngày 6-1-1975, tấn công giải phóng tiểu khu - tỉnh lỵ Phước Long.
Ông Đoàn Ngọc Châu, cựu chiến binh phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long chưa thể quên ký ức của những ngày giải phóng. Với ông đó là niềm hân hoan xen lẫn tự hào, chút bồi hồi xúc động nhưng vẫn đau đáu về giữ vững địa bàn, giữ vững vùng giải phóng.
Chiến thắng Phước Long có ý nghĩa chiến lược quan trọng, lần đầu tiên một tỉnh của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Phát huy thắng lợi, ta tiếp tục củng cố vùng giải phóng, đồng thời bao vây, tiêu diệt cụm cứ điểm An Lộc (Bình Long). Nhận thấy không có khả năng tiếp cứu cho nhau và biết nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 23-3-1975, địch rút chạy về Chơn Thành, trung tâm tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long được giải phóng. Ngày 2-4-1975, huyện Chơn Thành là địa phương cuối cùng của tỉnh Bình Long được giải phóng, góp phần cùng quân và dân các tỉnh miền Nam và các binh đoàn chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tiếp nối truyền thống, viết tiếp tương lai
Nếu trong lịch sử, Bình Phước là biểu tượng của tình yêu nước, ý chí căm thù giặc thì ngày nay Bình Phước đang ra sức phát triển kinh tế để xứng đáng với những gì cha ông ta đã hy sinh, các thế hệ tiền thân đã vượt qua trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Đến với Bình Phước hôm nay, 49 năm sau ngày giải phóng, từ vùng đất “bom cày đạn xới” năm xưa, vùng đất của sốt rét rừng, “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”, Bình Phước đã viết nên câu chuyện cổ tích mà có thật, với một sức sống mới, khí thế mới.
2023 là năm bản lề, giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020-2025. UBND tỉnh quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là áp lực từ giá xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu vẫn ở mức cao; rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất đã có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình khôi phục kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngày 15-4-2015, Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học và lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ để xác định ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Từ các ý kiến tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiên cứu, thảo luận nghiêm túc với tinh thần khách quan, khoa học, trách nhiệm với lịch sử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đi đến thống nhất chọn 23-3-1975 - ngày giải phóng quận An Lộc là trung tâm hành chính của tỉnh Bình Long làm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. |
Trước những khó khăn đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã triển khai các Chương trình hành động số 36/CTr-UBND ngày 3-2-2023 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023, trong đó xây dựng 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đề ra 93 danh mục nhiệm vụ cụ thể năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã khôi phục đà tăng trưởng.
Với tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của các cấp, ngành cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đã đạt những kết quả rất tích cực. GRDP năm 2023 thực hiện đạt gần 55.000 tỷ đồng, tăng 8,34% so với năm 2022, vượt kế hoạch đề ra, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có nhiều khởi sắc. Trong năm 2023, Bình Phước thu hút được 48 dự án với số vốn tăng thêm 824 triệu USD, đứng thứ 14 cả nước về thu hút vốn FDI. Trong năm 2023, toàn tỉnh có 1.050 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; có 345 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Toàn tỉnh có 196/390 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ. Công tác chăm sóc người có công được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định. Quan hệ hợp tác với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia và Lào trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Việt Nam - Lào ngày càng được nâng cao. Ngoại giao kinh tế ngày càng mở rộng...
Bà Nguyễn Thị Miên ở phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài chia sẻ: Vào Bình Phước lập nghiệp theo diện đi xây dựng vùng kinh tế mới, khi đó Bình Phước còn chưa tái lập, khu vực này còn là tỉnh Sông Bé cũ, nơi đây chỉ toàn núi, rừng, đường mòn, nắng gió và sốt rét rừng. Lúc bấy giờ, Đảng, Nhà nước đang tập trung khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Đời sống, cơ sở hạ tầng của tỉnh còn khó khăn, thiếu thốn. Vậy mà chỉ cần nhìn lại 27 năm sau ngày tái lập tỉnh, đủ để thấy Bình Phước vươn mình mạnh mẽ. Một sự phát triển ngoạn mục, ngoài sức tưởng tượng. Đến nay, tất cả đường từ trung tâm tỉnh đi các huyện, thị xã đều được thảm nhựa. Đường mở tới đâu, đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ phát triển sôi động đến đó.
Là thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống trung dũng, kiên cường của các thế hệ cha anh đi trước, chị Lê Thị Ánh Nguyệt, thanh niên phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài cho biết, tự hào được sinh sống và lập nghiệp tại Bình Phước, nơi đây cho chị cảm giác bình an, nhiều cơ hội phát triển với mỗi cá nhân, doanh nghiệp, một vùng đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư.
Ngày nay, cứ vào dịp 23-3 hằng năm, trên địa bàn tỉnh lại diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh. Ký ức về chiến thắng năm ấy chắc chắn sẽ không bao giờ phai trong các thế hệ người dân Bình Phước - chiến thắng của lòng quả cảm, đức hy sinh, đòn trinh sát chiến lược, mở màn cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tác giả: Minh Hà
Nguồn tin: baobinhphuoc.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn